05/12/2019 12:50
Lượt xem:
3059
Mã la là nhạc cụ có tính “hồn cốt” của đồng bào Raglai Khánh Sơn. Trước đây, hầu như gia đình nào cũng có một bộ mã la trong nhà và được truyền từ đời này sang đời khác. Người Raglai chơi mã la trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như trong dịp tổ chức lễ mừng lúa mới, lễ cưới hay tiệc mừng khai sinh, lễ đền ơn cha mẹ, lễ bỏ mả... Tuy nhiên hiện nay, rất ít gia đình còn giữ được chọn bộ mã la, những người biết đánh mã la đang ngày càng ít đi. Dẫn đến nguy cơ mai một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhằm góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹo của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai nói chung và các loại nhạc cụ nói riêng, trong đó có mã la, trong năm 2019, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao đã phối hợp với trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện mở 2 lớp truyền dạy đánh má la cho học sinh trong trường. Những năm trước đây, đơn vị cũng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la cho thanh, thiếu niên trên địa bàn. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã cấp cho mỗi xã trên địa bàn huyện một bộ mã la để sử dụng trong các nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng của người Raglai.
Qua đó, giúp cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh, thanh, thiếu niên dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về loại nhạc cụ truyền thống của cha ông để lại; giá trị, ý nghĩa, vị trí của mã la trong đời sống tinh thần của người Raglai, cũng như kỹ thuật cơ bản để chơi mã la. Từ đó thêm trân trọng và nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc trong đời sống hiện đại.