Những tháng đầu năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Khánh Sơn không đáng kể. Tuy nhiên, ngành y tế địa phương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Thúy, Đội phó Đội Y tế dự phòng-Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Khánh Sơn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 2 trường hợp mắc bệnh SXH (tại thị trấn Tô Hạp và xã Sơn Trung). “Ngay sau khi phát hiện bệnh nhân từ Nha Trang lên xã Sơn Trung, Đội Y tế dự phòng-TTYT huyện đã phối hợp với trạm y tế xã tiến hành các biện pháp khoanh vùng, xử lý và vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. Nhờ đó, đã kịp thời bao vây, cắt mầm bệnh không để lây truyền sang những người xung quanh. Đến nay trên địa bàn xã Sơn Trung không có thêm bệnh nhân SXH nào”, bà Cao Thị Thu Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Sơn Trung cho biết.
Đội Y tế dự phòng (TTYT Khánh Sơn) diệt lăng quăng/bọ gậy.
Bác sỹ Hồ Ngọc Gia, Giám đốc TTYT huyện Khánh Sơn cho biết, mặc dù số ca mắc SXH trên địa bàn có chiều hướng giảm và đang ở mức thấp, tuy nhiên năm nay mùa mưa tại Khánh Sơn đến sớm và lượng mưa nhiều, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có SXH. Mặt khác, hiện tại đang là thời điểm vào vụ sản xuất, nhiều người đi làm và ngủ lại ở trên rẫy với điều kiện vệ sinh môi trường và phòng bệnh còn hạn chế, cũng rất dễ bị mắc các bệnh do muỗi truyền. Trong khi nhiều người dân chưa thực sự quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, một số hộ còn để nước đọng lâu ngày trong các vật dụng gia đình hoặc đồ phế thải tại nơi ở, đây chính là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp) cho biết: “Gia đình tôi có thả cá vào 2 bể nước trong nhà để diệt lăng quăng/bọ gậy nên buổi trưa và buổi chiều hầu như không có muỗi. Tuy nhiên do đằng sau nhà có mương nước và bụi rậm nêu lúc chiều tối rất nhiều muỗi bay vào nhà”. Do vậy, với phương châm phòng là chính, ngay từ đầu năm, ngành y tế đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. “TTYT huyện đã chỉ đạo Đội Y tế dự phòng phối hợp với trạm y tế cơ sở và chính quyền các địa phương tổ chức giám sát dịch tễ tại cộng đồng, nhất là ở một số khu vực dễ bùng phát dịch SXH như xã Ba Cụm Bắc, Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp, nhằm kịp thời phát hiện trường hợp mắc bệnh và xử lý ngay theo quy định của Bộ Y tế. Tránh tình trạng các bệnh dịch do muỗi lây truyền sẽ bùng phát trong mùa mưa, cũng như thời gian chuyển mùa”, bác sỹ Gia nói.
Đội Y tế dự phòng (TTYT Khánh Sơn) hướng dẫn người dân diệt lăng quăng/bọ gậy
Bác sỹ Nguyễn Thị Thúy, Đội phó Đội Y tế dự phòng cho biết, trong quá trình giám sát chỉ số muỗi, chỉ số loăng quăng/bọ gậy tại cộng đồng, nhân viên y tế trực tiếp tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao ý thức phòng bệnh trong nhân nhân, đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng/ bọ gậy như: phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh xung quanh nơi ở, không để đọng nước lâu ngày trong các vật dụng chứa nước, hoặc bỏ nhớt, muối vào đồ phế thải, không cho muỗi có môi trường phát triển, nhằm hạn chế nguồn lây bệnh. Đối với những hộ gia đình không có người ở nhà, nhân viên y tế phải trực tiếp dọn vệ sinh, các đồ dùng, phế thải có đọng nước lâu ngày và diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. “Từ đầu tháng 4 đến nay trên địa bàn huyện Khánh Sơn chưa xuất hiện thêm bệnh nhân SXH cũng như những dịch bệnh do muỗi lây truyền. Tuy nhiên, mùa mưa còn ở phía trước nên Đội Y tế tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh SXH nói riêng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân”, bác sỹ Thúy nói.
ĐinhLuận
Đài TT-TH Khánh Sơn